Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch

Font size : A- A A+

Những hy sinh thầm lặng

Khi “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh Covid - 19 bước vào giai đoạn mới với nhiều cam go và thử thách thì cả nước nhận được tin hai nhân viên y tế đầu tiên bị mắc Covid-19 - Một trong những điều mà ngành Y không mong muốn nhất đã xảy ra trong dịch bệnh. Đó là hai nữ điều dưỡng: một phụ nữ 54 tuổi làm ở phòng khám ngoại trú HIV, nữ điều dưỡng kia kém chị 20 tuổi – người tiếp đón bệnh nhân ở Phòng khám sàng lọc. Hai đơn vị này đều thuộc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

 

Bà con kiểu bào về nước tập trung đông ở cửa khẩu quốc tế Chalo

Thực tế nghiệt ngã cho thấy, nhân viên y tế luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch bệnh.

Bên cạnh những vất vả mà họ phải căng mình từ Tết đến giờ để đối mặt với dịch bệnh; bên cạnh những niềm vui nho nhỏ chăm sóc cho gia đình mà họ không có thời gian để làm; bên cạnh sự cứng cỏi đứng ở giữa tâm bão, thì chắc chắn một lúc nào đó, những lằn ranh lo lắng vẫn lướt qua tâm trí họ.

Điều dưỡng cũng chỉ là những người bình thường. Và họ không được miễn nhiễm với SARS-COV-2.

Một nhân viên y tế bị mắc Covid-19 không phải là thảm họa. Khác với thời dịch SARS khi mà một số thầy thuốc đã hy sinh, cơ hội điều trị khỏi bệnh nhân Covid-19 là rất cao. Và chúng tôi tin tưởng rằng đồng nghiệp của chúng tôi sẽ sớm khỏe mạnh và quay trở lại đội ngũ những chiến sĩ áo trắng.

 “Họ không chỉ là bác sỹ, họ còn là chiến sỹ, là những người anh hùng của cuộc chiến”. Đó là lời tâm sự thật thấm thía của người dân, của thân nhân khi chứng kiến hình ảnh các y bác sỹ ngày đêm tận tụy bên giường bệnh để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trong cuộc chiến với dịch bệnh này.

Đây là lúc mà các nhân viên y tế cần hơn bao giờ hết sự ủng hộ về tinh thần của cộng đồng. Hãy dành cho họ tình cảm yêu thương, tôn trọng. Hãy tiếp thêm sức mạnh để họ có thể đứng vững nơi tuyến đầu chống dịch.

Dũng cảm nơi tuyến đầu của những bác sĩ không mặc áo bluse trắng

Không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các y, bác sĩ, cán bộ làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong “trận chiến”, xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã vượt lên trên những khó khăn đặc thù, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh… ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dù nắng hay mưa, thời gian cao điểm dịch hay không bùng phát dịch… thì những cán bộ làm công tác y tế dự phòng vẫn kiên trì bám địa bàn, tích cực hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh. Họ được ví như những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận phòng chống bệnh tật, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát công tác kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, phân loại cách ly các Kiều bào về nước.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Quốc Tiệp, Giám Đốc Trung Tâm kiểm soát Bệnh tật Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi vẫn bông đùa với nhau, y tế dự phòng là những người “đi trước về sau”, những bác sĩ không mặc áo bluse trắng. Khi người dân nhìn thấy y, bác sĩ, cán bộ y tế dự phòng là chỉ nhìn thấy chúng tôi trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít mà thôi”.

Trong khi, đặc thù của ngành y tế dự phòng rộng và phức tạp, đảm nhiệm mảng phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng, hiệu quả công việc thì khó có thể đong đếm trong ngày một ngày hai. Đặc biệt, từ đầu mùa dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đến nay, các nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình vẫn đang căng mình trên khắp các mặt trận thực hiện công tác giám sát và phòng chống dịch. Được biết, hiện nay mỗi ngày Trung tâm triển khai hai đội phản ứng nhanh phòng chống dịch thường trực và sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào có thông tin về trường hợp liên quan tới nhiễm bệnh Covid-19. 

“Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, nhân viên của Trung tâm cũng lập tức đến để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch. Triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng. Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình và người thân của mình, tuy nhiên nhờ được tập huấn phòng dịch bệnh kỹ càng và chúng tôi đã động viên nhau vượt qua tất cả”, bác sĩ Tiệp chia sẻ.

Khó có thể kể hết những gian khổ của những cán bộ làm công tác dự phòng. Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhiều hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên tại các ổ dịch nguy hiểm… nên nhiều cán bộ y tế dự phòng còn bị xa lánh vì lo ngại lây nhiễm bệnh.

Theo bác sĩ Huỳnh Công Hùng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết: “Ban đầu, ngay cả người thân trong gia đình, họ hàng cũng có e ngại lây nhiễm bệnh tật khi gia đình có người tham gia vào công tác phòng chống dịch, chứ không nói là người dân. Nhưng may mắn do chúng ta đã làm tốt công tác tuyên truyền, cũng như diễn biến dịch bệnh theo hướng tốt… nên mọi người hiểu, cảm thông và bớt dần tâm lý lo sợ”.

Với trên 30 năm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, liên tục làm trong hệ thống y tế dự phòng, trải qua nhiều vụ dịch nguy hiểm như: Dịch tả (2007-2008), cúm AH1N1 (2009), sởi (2014), sốt xuất huyết (2019),…đồng chí Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Bình nhận thấy qua các vụ dịch thì hệ thống y tế dự phòng ngày càng lớn mạnh. Kể cả với Covid-19, y tế dự phòng cũng đã có thể sẵn sàng đáp ứng kịp thời tất cả các tình huống có thể xảy ra. Và cũng từ những vụ dịch đã xảy ra, những cán bộ y tế đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để phòng chống cho dịch Covid-19. 

Đ/c Trần Tiến Dũng, PCT UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Y tế, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị đón kiều bào về nơi cách ly.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Sở y tế Quảng Bình: trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ngành Y tế đã chỉ đạo ưu tiên công tác tuyên truyền từ cán bộ y tế đến nhân dân hiểu đúng về bệnh mà không hoang mang lo lắng nhưng cũng không chủ quan với dịch bệnh. Đặc biệt là phải đáp ứng giám sát và phát hiện sớm tất cả những trường hợp bệnh nhân đầu tiên. Sau đó sẽ được cách ly và xử lý môi trường, không để dịch bệnh có cơ hội bùng phát và lây nhiễm ra cộng đồng. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác hậu cần đảm bảo… thì việc phòng chống dịch bệnh sẽ hiệu quả.

Tính đến thời điểm này (ngày 22/3) khi cả nước đã có 113 ca dương tính với Covid-19 thì ở Quảng Bình vẫn bình yên, không có một ca nhiễm nào, mặc dù Quảng Bình có rất nhiều lao động phổ thông sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… làm thuê quay trở về. Nói thế để thấy rằng đó là kết quả những nỗ lực tuyệt vời của lực lượng các y bác sỹ, chiến sỹ biên phòng và các ngành chức năng của tỉnh Quảng Bình đang ở tuyến đầu làm việc không nghỉ để ngăn ngừa, kiềm soát dịch bệnh.

Tin tưởng rằng với tinh thần không ngại khó khăn gian khổ các thầy thuốc chắc chắn sẽ không chùn bước trước dịch bệnh. Họ sẽ luôn có mặt ở đó - ở tuyến đầu trong cuộc chiến sinh tử hôm nay.

L.H

 

More
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG