Chi tiết tin - Sở Y tế
Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả
Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước, các lực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả vẫn có những diễn biến phức tạp, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm che đậy hành vi, đặc biệt là sử dụng mạng xã hội, internet để mua, bán thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không thông qua các kênh phân phối chính thống. Nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và phòng ngừa việc sản xuất, kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả; bảo đảm chất lượng, an toàn, tác dụng và hiệu quả điều trị cho người sử dụng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Công điện số 41/CĐ- TTg ngày 17/04/2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Công văn số 2352/BYT-QLD ngày 20/4/2025 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Công văn 1175/SYT-NVY ngày 22/4/2025 của Sở Y tế Quảng Bình về việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác kê đơn, quảng cáo thuốc và các sản phẩm không phải là thuốc (Đính kèm các công văn trên).
2. Thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Báo cáo kết quả về Sở Y tế (nếu có).
3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng thuốc khi nhập vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Định kỳ kiểm tra chất lượng hàng hóa tại kho bảo quản theo đúng các quy định hiện hành.
4. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn
- Chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng phạm vi đã được cấp phép. Chỉ kinh doanh, phân phối, sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Chú trọng nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Nghiêm cấm hành vi kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu.
- Triển khai, duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn Thực hành tốt (GPs) trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, bảo quản và sử dụng theo đúng qui định. Thực hiện hệ thống quản lý để đảm bảo xác định được nguồn gốc lô thuốc, xác định được cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh, sử dụng trong chuỗi cung ứng thuốc.
- Nghiêm túc thực hiện kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Cập nhật đầy đủ số lượng, chủng loại thuốc mua vào, bán ra trên phần mềm liên thông dữ liệu dược Quốc gia. Kịp thời báo cáo, chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
- Kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguyên liệu làm thuốc trước khi đưa vào sản xuất, chất lượng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Chỉ đưa ra lưu hành, phân phối, sử dụng các thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng; khuyến khích các cơ sở tăng cường các biện pháp chống làm giả như sử dụng mã vạch, QR code…
- Rà soát kế hoạch sản xuất, nguyên liệu, bao bì, chủ động bổ sung điều chỉnh nguồn cung ứng để đảm bảo duy trì cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng, chữa bệnh. Báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc về Sở Y tế để hỗ trợ xử lý.
5. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm
Tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng, báo cáo về Sở Y tế.
6. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Phối hợp với các đơn vị truyền thông, tổ chức tuyên truyền phổ biến cho cán bộ Y tế và nhân dân về nguy cơ và tác hại của thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, chỉ mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan; đồng thời phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố cáo các cá nhân, tổ chức vi phạm (thông qua đường dây nóng của Sở Y tế).
7. Phòng Y tế các huyện, thị xã và thành phố
Tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn. Xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, báo cáo về Sở Y tế.
8. Thanh tra Sở Y tế, phòng Nghiệp vụ Dược phối hợp với các cơ quan chức năng: Công An, Quản lý thị trường, Hải quan, ... tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo qui định đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, hạn sử dụng….
(Theo Công văn số 1194/SYT-NVD ngày 23/4/2025 của Sở Y tế Quảng Bình)