Chi tiết tin - Sở Y tế
Cảnh báo thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường
Ngày 16/4/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ và khởi tố 14 bị can về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh". Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 04 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion; các sản phẩm còn lại không trùng khớp với bất kỳ loại thuốc nào nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành.
Căn cứ các quy định của Luật Dược; Căn cứ Công văn số 1135/QLD-CL ngày 19/4/2025 của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế về việc cảnh báo thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
1. Không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng các sản phẩm giả sau:
- Bốn (04) loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion;
- Mười sáu (16) sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.
(Thông tin chi tiết đính kèm Công văn số 1135/QLD-CL của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế).
2. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn:
Rà soát lại quy trình mua thuốc, cung ứng thuốc và tình hình cung ứng thuốc trong thời gian qua; bảo đảm thuốc được cung ứng là thuốc đã được cấp giấy phép lưu hành và cung ứng bởi các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Trường hợp phát hiện thuốc có dấu hiệu nghi ngờ bất thường, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng thuốc và báo cáo cơ quan quản lý y tế, cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn:
- Chỉ buôn bán các thuốc có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hóa đơn chứng từ đầy đủ.
- Không buôn bán, lưu hành và kịp thời thông báo đến Sở Y tế, các cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm giả nêu trên.
4. Thanh tra Sở Y tế, Phòng nghiệp vụ Dược, Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố:
Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc trên địa bàn, chú trọng đến việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc do các cơ sở kinh doanh, sử dụng; việc duy trì đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), Thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP).
5. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các thuốc giả có các thông tin nêu trên; Chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan.
6. Trung tâm Kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan.
(Theo Công văn số 1197/SYT-NVD ngày 23/4/2025 của Sở Y tế Quảng Bình)