Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm

Xem với cỡ chữ : A- A A+

          Ngày 04/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ.

 

          Nghị định số 115/2018/NĐ-CP đã khắc phục được cơ bản các vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế, bổ sung một số hành vi còn thiếu, không cụ thể, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính so với Nghị định 178/2013/NĐ-CP; quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo; Nghị định quy định nhiều hành vi vi phạm bị xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn... Đây được xem là những quy định cần thiết nhằm siết chặt hơn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

 

          Cụ thể: Nghị định 115/2018/NĐ-CP bổ sung và nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm về điều kiện cơ sở, kiến thức và thực hành của người sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; ví dụ như kinh doanh dịch vụ ăn uống: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi cống rãnh thoát nước thải trong khu vực chế biến bị ứ động, không che kín hoặc dụng cụ thu gom rác không có nắp đậy; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng và đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 01 đến 03 tháng đối với hành vi chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 01 đến 03 tháng đối với  hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống; đối với chủ cơ sở có hành vi chế biến thực phẩm không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm, nghị định quy định xử phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong trường hợp gây ngộ độc từ 01 đến 04 người; xử phạt 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng trong trường hợp gây ngộ độc từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 01 đến 03 tháng...

 

          Nghị định cũng quy định rõ hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của các loại hình khác nhau, ứng với mức tiền phạt khác nhau và mức tiền phạt từ 20 đến 60 triệu đồng;  cao hơn nhiều so với quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP.

 

          Một điểm mới đáng chú ý trong Nghị định 115/2018/NĐ-CP về vi phạm quy định tự công  bố sản phẩm với các trường hợp: Không có bản tự công bố, bản tự công bố sản phẩm không đúng quy định theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP: Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính lên tới 50 triệu đồng đối với cơ sở vi phạm và thực hiện các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả: Ví dụ: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc thu hồi sản phẩm thực phẩm vi phạm, buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái thế hoặc tiêu hủy sản phẩm đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố hoặc mức ghi trên nhãn đối với sản phẩm không có bản tự công bố sản phẩm;

 

          Tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tối đa lên tới 100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; ngoài ra phải buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm;

 

          Nghị định số 115/2018/NĐ-CP cũng quy định về công tác hậu kiểm nhằm phù hợp với phương thức quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; qua đó, giúp các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát tốt hơn về các điều kiện trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm theo quy định của pháp luật.

 

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình

 

Các tin khác
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG