Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Xem với cỡ chữ : A- A A+
            Hút thuốc lá là một trong những vấn đề y tế công cộng hàng đầu tại Việt Nam. Theo Tổ chức y tế thế giới, Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc lá trên người trưởng thành trên 15 tuổi là 45.3% ở nam và 1,1% ở nữ. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nên gánh nặng bệnh tật với khoảng 50% người hút thuốc lá sẽ tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá, và tuổi thọ trung bình của người hút thuốc giảm khoảng 15 năm so với người không hút thuốc lá.

 

            Hiện nay, trên thị trường Việt Nam bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), đang xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs), shisha,... Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe, thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện.

 

            Các sản phẩm thuốc lá mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha) rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh, là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotin, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Sử dụng thuốc lá điện tử gây tổn thương phổi cấp tính và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim mạch, đột quỵ. Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho thấy Tính đến ngày 18 tháng 2 năm 2020, đã có 2.807 trường hợp tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử phải nhập viện 50 tiểu bang, 68 ca tử vong đã được xác nhận tại 29 tiểu bang. Sử dụng thuốc lá điện tử còn gây chấn thương do cháy nổ thiết bị.

 

            Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới chưa có bằng chứng chứng minh thuốc lá điện tử giúp cai nghiện và WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là biện pháp giúp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2019, kết quả Điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% (năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 0,2%). Gần đây theo phản ánh trên các phương tiện thông tin, thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

 

            Nhằm thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản số 1182/VPUBND-KGVX ngày 12/4/2021 về việc tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phầm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha), cụ thể:

 

            Chỉ đạo Sở Y tế mở rộng tuyên truyền đến người dân về tác hại của thuốc lá điếu truyền thống và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha

 

            Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, ngoài việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tuyên truyền còn phải tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên.

 

            Ngoài ra, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha

 

            Không hút thuốc vì sức khỏe của chính bạn và những người thân yêu./.

Các tin khác
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG