Duy trì mức sinh thấp hợp lý- vì sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Hiện nay, tỉnh ta cũng đang nằm trong giai đoạn cơ cấu “dân số trẻ”, tức là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc. Cơ cấu “dân số trÎ ” đồng nghĩa với sự tập trung một lực lượng lao động trẻ hùng hậu chưa từng có. “Dân số trẻ” có hai mặt, một mặt tạo ra những bứt phá thần kỳ về mặt kinh tế… nhưng một mặt đặt ra những khó khăn, thách thức cho công tác DS- KHHGĐ. Chính vì vậy, thời gian qua, những cán bộ làm công tác dân số đẩy mạnh các hoạt động nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý tại Quảng Bình, góp phần nâng cao sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng.

 

Tuyên truyền cổ động trên các trục đường thành phố Đồng Hới nhân ngày Dân số Việt Nam 26/12

Với dân số khoảng 85 vạn người trong đó bao gồm 16 nhóm dân tộc, nhiều nhất là người kinh, các dân tộc khác chiếm khoảng 1,5% dân số. Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân… Sau hơn nữa thế kỷ thực hiện công tác DS- KHHGĐ, cùng với cả nước, Quảng Bình đã đạt được những thành tựu góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010; thực hiện cam kết quốc tế về dân số và phát triển và các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh ta đã đạt những kết quả đáng khích lệ: Số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,67 con năm 2001 giảm xuống còn 2,37 con (theo Tổng điều tra Dân số 01/4/2009); Tỷ suất sinh thô giảm dần từ 17,25%o (năm 2006) xuống còn 16,03%o (năm 2013), bình quân mỗi năm giảm từ khoảng 0,15 - 0,2%o. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 20,10% (2006) giảm còn 16,28% (2013). Tỷ lệ tăng dân số giảm mạnh từ 12,17% năm 2005 xuống còn 10,95% năm 2013. Dân số trung bình của tỉnh Quảng Bình năm 2013 là 863.350 người; trung bình mỗi năm Quảng Bình tăng thêm trên 5 nghìn người. Tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai năm 2013 là 75,7%, hàng năm tăng từ 1,5 - 2%. Hiện tại, các loại BPTT được cung cấp đến người dân thông qua 3 hình thức là miễn phí, tiếp thị xã hội và thị trường tự do. Cùng với mức sinh giảm nhanh, cơ cấu dân số theo tuổi thay đổi nhanh chóng, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15 - 64 tuổi chiếm 65,4%, trong khi tỷ trọng dân số phụ thuộc dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chỉ chiếm 34,6%. Cũng như cả nước, Quảng Bình đang ở trong thời kỳ “Dân số vàng” tạo ra những bứt phá trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới.
Dân số trẻ đồng nghĩa với số người bước vào độ tuổi có khả năng sinh đẻ ngày càng gia tăng. Thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, tiến tới đạt mức sinh thay thế và duy trì mức sinh thấp hợp lý- ổn định quy mô dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà là một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác DS- KHHGĐ.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên tỉnh ta vẫn còn những thách thức đặt ra trong việc đưa mức sinh về mức sinh thay thế, về cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số. Cho đến nay, Quảng Bình vẫn nằm trong 28/63 tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế. Mức sinh còn cao, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và chưa thật sự vững chắc, đồng đều giữa các vùng, miền. Số con bình quân của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có xu hướng tăng trở lại; Việc thực hiện các chỉ tiêu về SKSS/KHHGĐ chưa đồng đều ở các vùng miền. Tỷ lệ sinh con thứ 3 có nơi tăng đột biến, tăng mạnh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng cồn bãi, ven biển, biên giới hải đảo.
Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS- KHHGĐ làm ảnh hưởng đến phong trào. Đây là thách thức không nhỏ trong vấn đề thực hiện chỉ tiêu giảm sinh cũng như thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, tỷ số giới tính khi sinh có biểu hiện mất cân bằng ở một số địa phương.
Để tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, ổn định quy mô dân số- đạt mức sinh thay thế và duy trì mức sinh thấp hợp lý…. Bên cạnh sự đồng hành của cả xã hội, Chi cục DS- KHHGĐ đã đẩy mạnh những hoạt động nhằm hướng tới cộng đồng. Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và cung cấp thông tin, dịch vụ SKSS cho VTN- TN được xây dựng và bắt đầu triển khai tại tỉnh ta từ tháng 10/2006. Sau 5 năm triển khai hoạt động đã nâng cao nhận thức, hiểu biết của VTN- TN. Các em đã chủ động đến trung tâm để được tư vấn, cung cấp thông tin về SKSS lứa tuổi VTN- TN. Đây là yếu tố để nâng cao chất lượng dân số, xây dựng nguồn nhân lực, đáp ứng nhân tài cho xã hội. Ngoài ra, mô hình “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược dân số giai đoạn 2010- 2020 nhằm đảm bảo cho các bà mẹ mang thai sinh ra những đứa con thông minh khỏe mạnh…
Để tạo nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần vào thành công của Chiến lược biển Việt Nam đến 2020. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển và kinh tế biển trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển” (Đề án 52) ở tỉnh ta bắt đầu được triển khai thực hiện tại 27 xã, phường, thị trấn ven biển thuộc 5/8 huyện, thị xã, thành phố. Có thể nói Đề án 52 đã góp phần ổn định mức sinh và nâng cao chất lượng dân số ở các vùng biển, đảo và ven biển… Cùng với việc thực hiện tốt các đề án nâng cao chất lượng dân số, từng bước khống chế mất cân bằng giới tính khi sinh, tỉnh ta sẽ cố gắng nỗ lực phấn đấu giảm sinh bình quân hàng năm 0,1%o; Tỷ suất sinh ở mức dưới 15‰; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm bình quân 0,5-1%/năm; phấn đấu đạt mức sinh thay thế và duy trì mức sinh thấp hợp lý.
Vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề, trong thời gian tới, Chi cục DS- KHHGĐ tiếp tục chú trọng nâng cao công tác truyền thông, giáo dục và đáp ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- KHHGĐ, phấn đấu đạt mức sinh thay thế và duy trì mức sinh thấp hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác DS- KHHGĐ đến năm 2020.

Trung tâm TTGDSK tỉnh QB
 

ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG