Quảng Bình: hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam

Xem với cỡ chữ : A- A A+
          Tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Australia tháng 7 năm 2014, Liên Hợp quốc đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khoẻ mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là Mục tiêu 90- 90- 90 của Liên hợp quốc. Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian qua, Trung tâm PC HIV/AIDS đã đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh.

          Theo số liệu cập nhật được từ các cơ quan chức năng, hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1.700 người nghiện chích ma tuý, hơn 500 người bán dâm và hơn 13.600 người thuộc nhóm dân di biến động. Đây là số người có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Tháng 12/1994, tại Quảng Bình phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên thì tính đến nay ( tháng 10/2015) toàn tỉnh có 1.270 người nhiễm HIV (trong đó nội tỉnh 273 người), 309 người nhiễm AIDS… có thể nói, công tác phòng chống HIV/AIDS đang là nhiệm vụ quan trọng, thu hút sự quan tâm của các cấp các ngành và các tầng lớp nhân dân.

Với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “ Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hưởng ứng các mục tiêu 90- 90- 90 và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Thời gian qua, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã đẩy mạnh các chương trình hoạt động trong phòng chống HIV/AIDS, công tác truyền thông thay đổi hành vi trong phòng chống HIV/AIDS, công tác chăm sóc hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS được đẩy mạnh lên một bước mới. Trung tâm đã thành lập phòng khám ngoại trú, lập hồ sơ điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng Cotrimoxazl và điều trị ARV cho 99 bệnh nhân AIDS đủ điều kiện điều trị trên địa bàn tỉnh.

          Từ việc đẩy mạnh chương trình truyền thông thay đổi hành vi và chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, thời gian qua,  hoạt động của 06 nhóm Nhân viên tiếp cận cộng đồng tại các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và  Tp. Đồng Hới được duy trì  hoạt động; Xây dựng 22 hộp đựng bơm kim tiêm và 11 hộp đựng bao cao su để cấp phát miễn phí cho các đối tượng có nhu cầu tại các địa bàn trọng điểm.Phân phát miễn phí 82.080 bao cao su cho phụ nữ bán dâm, 16.200 bơm kim tiêm sạch cho đối tượng nghiện chích ma túy trên địa bàn tỉnh thông qua nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng - hỗ trợ điều trị và qua kênh cấp phát tại các hộp cấp bơm kim tiêm đặt tại các trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Trong công tác chăm sóc điều trị người nhiễm HIV từ mẹ sang con, mục tiêu được đưa ra là 100% bệnh nhân AIDS( trong diện quản lý được) được điều trị ARV; 100% phụ nữ nhiễm HIV mang thai được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và 100% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được chăm sóc sức khoẻ đúng cách. Một trong những hình thức tuyên truyền được chú trọng là tiếp tục phát triển đội ngũ cộng tác viên, nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng , y tế thôn bản…. Từ đó thông qua đội ngũ này để phổ biến cho người dân kiến thức phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, chống phân biệt đối xử, kì thị với người nhiễm HIV/AIDS.

Bệnh nhân HIV/AIDS đang nhận thuốc ARV tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS

          Để từng bước làm hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng, tỉnh ta đang tập trung đồng thời một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS tại các phòng khám, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại các cơ sở y tế; Nâng cao năng lực hệ thống tổ chức hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến xã, phường. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động phòng chống lao đối với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống đối với những người bệnh không may mắn này. Khi được hỏi nếu như  thực hiện được các chỉ số 90- 90-90 tại Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng thì sẽ có tầm quan trọng như thế nào, Bác sĩ Nguyễn Anh Đông- PGĐ Trung tâm PC HIV/AIDS cho chúng tôi biết: Các mục tiêu 90- 90- 90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS bởi vì: Nếu 90% số người  nhiềm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình như vậy công tác giám sát và xét nghiệm của chúng ta đã được làm tốt. Chúng ta có thể tiếp cận, quản lý, tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và  điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% người  chẩn đoán nhiềm HIV được điều trị ARV liên tục thì không những chúng ta đã làm tốt công tác điều trị sớm, chăm sóc sức khoẻ cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng và giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định tức là tải lượng HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của bệnh nhân.               

          Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2015, cùng với cả nước, Quảng Bình đang có những hoạt động tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS nhằm đạt được 3 mục tiêu 90- 90- 90 để có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng, điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khoẻ mạnh, từ đó có thể kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên hợp quốc đề ra.

Lê Dung

Các tin khác
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG