Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh: những nỗ lực trong công tác phòng chống bệnh Lao

Font size : A- A A+
                   Trong những năm qua, công tác phòng chống bệnh lao ở tỉnh ta được đẩy mạnh trên các tuyến, nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh trong công tác giám sát, khám, điều trị và đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm PCBXH đang tuyên truyền phòng chống bệnh lao cho người dân chợ Bắc Lý- Đồng Hới- Quảng Bình.

Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh gây tử vong cao, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người có nhiễm HIV, với khoảng một phần tư tổng số ca tử vong ở nhóm người này. Bệnh lao cũng là nguyên nhân gây ra đói nghèo dai dẳng và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trên 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu. Tại tỉnh ta, theo báo cáo của Khoa lao - Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, chỉ tính riêng trong năm 2014 đã phát hiện khoảng 961 trường hợp mắc bệnh lao mới. Xác định được tính chất nguy hiểm của bệnh lao, trong những năm qua, công tác phòng, chống lao được ngành Y tế đặc biệt chú trọng, quan tâm. Ngay từ đầu năm, Sở y tế đã chỉ đạo Trung tâm phong chống bệnh xã hội tỉnh làm đầu mối tích cực củng cố mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở, triển khai các hoạt động chuyên môn nhằm phát hiện và điều trị, khống chế và đẩy lùi nguồn lây bệnh mới trong cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lao một phần là do sự thiếu ý thức của mọi người trong việc tự chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, vì vậy để  thay đổi nhận thức của người dân về bệnh lao, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội đã tập trung chỉ đạo từ tuyến tỉnh đến các tuyến cơ sở tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ về phòng chống bệnh lao, thường xuyên hướng dẫn cho nhân dân hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, các đường lây và biểu hiện của người khi mắc bệnh bằng các hình thức như: Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về kiến thức phòng bệnh thông qua các cuộc họp thôn xóm, cổ động tranh cờ biểu ngữ qua các đợt phát động ngày phòng chống lao 24/3, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời các cán bộ y tế cơ sở cũng chủ động đến tận nhà dân phát tờ rơi, áp phích, hướng dẫn cho người dân nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp để người dân tự bảo vệ sức khoẻ, phòng chống bệnh lao. Nhờ các hoạt động truyền thông tư vấn mà nhân thức của người dân tăng lên rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị đã và đang giảm dần.

Bên cạnh công tác phòng bệnh, công tác khám và điều trị bệnh Lao trong thời gian qua cũng được Trung tâm phòng chống bệnh xã hội triển khai  thực hiện rất tốt. Tìm hiểu công tác phát hiện sớm bệnh Lao tại các cơ sở y tế mới thấy  việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phác đồ là những yếu tố then chốt để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh Lao. Mỗi bệnh nhân đến khám đều được các cán bộ Y tế thăm khám, tư vấn kỹ càng. Khi người bệnh có những biểu hiện như: Ho khạc kéo dài, gầy sút cân có thể kèm theo sốt về chiều, ho ra máu, cộng với các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như: chụp X.Quang phổi, xét nghiệm soi đờm trực tiếp tìm ra vi khuẩn lao, sẽ xác định được chính xác xem bệnh nhân có mắc bệnh lao hay không. Thực tế cho thấy, bệnh nhân Lao chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy các cán bộ chuyên trách phòng chống lao tại cơ sở, nhất là ở các trạm Y tế có vai trò, trách nhiệm không nhỏ. Họ không những là người trực tiếp quản lý bệnh nhân, theo dõi quá trình tại trạm và ở gia đình mà còn  là những tuyên truyền viên, cán bộ tư vấn tích cực tại cộng đồng.

Năm 2014, là năm thứ 4 triển khai các hoạt động Quỹ toàn cầu vòng 9, công tác phòng chống bệnh lao vì vậy cũng được tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, chương trình chống lao đã chủ động xây dựng, củng cố mạng lưới phòng chống lao từ tỉnh, huyện đến các xã, phường. Các hoạt động của chương trình chống lao như: Công tác quản lý, điều trị bệnh nhân tại cộng đồng, cung ứng thuốc, vật tư, thống kê báo cáo, đào tạo, truyền thông, kiểm tra giám sát, tài chính và giám định tiêu bản đều được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Năm 2014 chương trình chống lao toàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong năm đã khám cho hơn 48.760/25.000 lượt bệnh nhân (đạt 195%kế hoạch); phát hiện mới 961/800 bệnh nhân( đạt 120% kế hoạch), quản lý 1.461/1.300 bệnh nhân (đạt 112% kế hoạch), trong đó 723 bệnh nhân mắc trường hợp lao phổi AFB(+)…Đặc biệt với việc triển khai điều trị bằng hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát (phương pháp DOST) cho tất cả các bệnh nhân tại các tuyến nên tỷ lệ bệnh nhân điều trị khỏi ngày càng cao 423/438 bệnh nhân đạt 96,5%, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị và tử vong do lao giảm dần. Số bệnh nhân lao được điều trị thành công trong năm là 820/842 bệnh nhân, đạt 97,3% kế hoạch.

Trong công tác phát hiện bệnh nhân lao, xét nghiệm là khâu quan trọng không thể thiếu, vì vậy chương trình phòng chống lao đã đầu tư trang bị phương tiện cho các chuyên khoa lao tuyến huyện, thành phố, thị xã để đẩy mạnh công tác xét nghiệm một cách chính xác, hiệu quả. Tại tuyến tỉnh, chương trình đã trang cấp máy siêu âm, máy X.Quang, thực hiện có hiệu quả các máy móc hỗ trợ cho việc khám, chẩn đoán, phát hiện bệnh lao để đưa vào điều trị… công tác tập huấn, nâng cao trình độ cho các kỹ thuật viên tiếp tục được duy trì nên tỷ lệ sai số trong quá trình xét nghiệm không đáng kể. Năm 2014 chương trình đã thực hiện xét nghiệm được 15.517/15.000 tiêu bản, đạt 103,4%.

Một trong những khó khăn trong công tác phát hiện và điều trị bệnh lao hiện nay đó là nguồn nhân lực còn thiếu do một số tổ chống lao huyện, xã có sự thay đổi cán bộ chuyên trách, kinh phí hỗ trợ từ phía Quốc gia cho hoạt động chương trình chống lao giảm mạnh, trang thiết bị máy móc xét nghiệm, điều trị còn thiếu thốn. Mặt khác, vẫn còn  không ít trường hợp bệnh nhân bỏ dở việc điều trị, dẫn đến tình trạng kháng thuốc, nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Để công tác phòng chống và điều trị bệnh lao trong tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự chia sẻ, tương trợ từ phía cộng đồng để từ đó cảm thông và tạo mọi điều kiện để có thể giúp đỡ những bệnh nhân lao. Bên cạnh đó cũng rất cần sự chung tay của các cấp các ngành và cộng đồng cùng với  ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống căn bệnh này. Có như vậy, công tác phòng chống bệnh lao của tỉnh mới đem lại hiệu quả cao hơn.

Mai An 

More
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG