Đầu tư cho thanh niên - vấn đề trọng tâm của công tác dân số

Font size : A- A A+
                 Trong những năm gần đây, Quảng Bình được biết đến bởi nhiều điểm du lịch hấp dẫn, như di sản thiên nhiên thế giới Vườn QG Phong Nha Kẻ Bàng, suối nước nóng Bang, bãi biển Nhật Lệ.v.v... Lượng khách đến tham quan du lịch đến với Quảng Bình khá đông do đó các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán karaoke được mở ra ngày càng nhiều, kèm theo các tệ nạn xã hội ngày càng nảy sinh. Với mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhiều luồng văn hoá phẩm độc hại, thiếu lành mạnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi và lối sống của toàn xã hội, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết hoặc biết không đầy đủ, không chính xác về sức khỏe sinh sản/ sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) càng làm tăng nguy cơ quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS. Theo số liệu điều tra của Viện nghiên cứu Y-Xã hội học và chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Quảng Bình thì lứa tuổi thanh niên từ 19- 24 chiếm tỉ lệ 30% dân số và chiếm 53% lực lượng lao động trong toàn tỉnh. Đây là một lực lượng đông đảo, đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng tỉnh QB và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay. Không những vậy, thanh niên còn góp phần vào sự phát triển giống nòi trong tương lai. Mặc dù lứa tuổi VTN/TN không còn đương đầu với những căn bệnh trẻ em, nhưng các em đang bước những bước đi đầu tiên vào đời sống tình dục và sinh sản. Các em đang phải đối diện với những tiêu cực của vấn đề như: mang thai sớm, phá thai không an toàn, tử vong mẹ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm HIV... Vấn đề đặt ra trong công tác DS- KHHGĐ lúc này là phải đa dạng hóa các dịch vụ dành cho thanh niên (TN), nhất là đối tượng nữ TN với nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày một tăng và đòi hỏi chất lượng ngày một cao. Nếu những nhu cầu này không được đáp ứng một cách toàn diện, có hệ thống sẽ mang lại những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và giảm đi nhiều cơ hội trong cuộc sống của TN nói chung và nữ TN nói riêng.

 

                 Em Lê Thị Bích Ngọc - Thành viên CLB Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân xã Hiền Ninh- Quảng Ninh- Quảng Bình cho chúng tôi biết: Mục đích của em khi tham gia vào Câu lạc bộ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là để được giao lưu học hỏi, được hiểu biết thêm các kiến thức về SKSS/SKTD và KHHGĐ. Trong thời gian tới em mong muốn các mô hình sẽ được nhân rộng để em và các thành viên khác trong xã được tham gia nhiều hơn và được tư vấn, giải đáp những vấn đề có liên quan đến SKSS/SKTD và KHHGĐ.

Theo thông tin từ Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh QB, vấn đề sinh đẻ, nạo phá thai và các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây qua đương tình dục có nguy cơ ngày một gia tăng. Trung tâm đã tiến hành phỏng vấn 78 trường hợp VTN/TN, có tới 42% là có quan hệ tình dục lần đầu ở độ tuổi 15-19, và 97% vẫn thường xuyên quan hệ tình dục. Một cuộc điều tra đánh giá nhu cầu tìm hiểu kiến thức SKSS- KHHGĐ VTN/TN đã phỏng vấn 304 em thì có 300 em rất cần các thông tin về chăm sóc sức khỏe nói chung và kiến thức về SKSS-SKTD- KHHGĐ cũng như các kỹ năng sống cần thiết. Vì vậy việc cung cấp thông tin và dịch vụ về SKSS-SKTD- KHHGĐ cho VTN/TN đặc biệt là đối tượng nữ TN là một việc làm cần thiết nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ và giáo dục nhân cách cho các em, giúp các em có lối sống lành mạnh, biết tự bảo vệ mình và được trang bị những kiến thức cơ bản làm hành trang bước vào đời.

Từ năm 1998, Quảng Bình (qua Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, nay là Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) đã triển khai chương trình giáo dục SKSS/SKTD cho VTN/TN. Qua nhiều giai đoạn với các tên gọi như “ Cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho VTN/TN” và nay là “Tư vấn và khám sức khỏe Tiền hôn nhân” các chương trình, đề án và mô hình đều hướng tới mục tiêu là phản ánh và đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của vị thành niên, thanh niên về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục... Với 35 điểm mô hình tại các xã, phường, thị trấn và trường học của 7 huyện, thành phố, chương trình đã tiếp cận, cung cấp kiến thức về SKSS/SKTD cho hơn 5.000  lượt VTN- TN, xây dựng và duy trì hoạt động 35 góc thân thiện, sinh hoạt đồng đẳng về SKSS, SKTD tại các điểm mô hình...

Thông qua các hoạt động thiết thực của các mô hình, đề án tạo ra nhiều kênh thông tin phong phú, tin cậy cho VTN- TN được giải đáp những thắc mắc, lo âu, bỡ ngỡ của tuổi dậy thì. Hàng ngàn VTN- TN đã biết chủ động tìm đến các điểm tư vấn, các góc thân thiện, các câu lạc bộ... để được tư vấn, cung cấp thông tin đầy đủ, có hệ thống thay vì e dè, ngần ngại và tự mày mò tìm hiểu như trước đây. Các em đã có cách nhìn và hiểu đúng về SKSS/SKTD. Được tham gia các hoạt động của các mô hình đã giúp các em có được những kỹ năng sống- đặc biệt kỹ năng sống trong xã hội có AIDS, từ đó chuyển đổi thái độ, hành vi trong mối quan hệ về giới, biết tự chăm lo cho sức khỏe bản thân, xây dựng lối sống lành mạnh, biết nói không với tệ nạn ma túy, mại dâm, biết nói không với quan hệ tình dục trước hôn nhân, tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ nạo phá thai và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS ở tuổi VTN- TN. Thạc sĩ Vương Kim Thành- Trưởng phòng công tác sinh viên Trường Đại học Quảng Bình cho chúng tôi biết thêm: Trường Đại học Quảng Bình hiện có 4.000 sinh viên chính quy đang theo học đến từ 26 tỉnh thành trên toàn quốc, 100 sinh viên đến từ nước bạn Lào và Thái Lan. Với độ tuổi từ 19- 24, các em rất cần trang bị kiến thức về SKSS và KHHGĐ, những kiến thức này không chỉ có ích khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn trang bị cho các em hành trang bởi đa số sinh viên sẽ là những giáo viên tương lai tại các đại phương của tỉnh nhà. Vì vậy, thời gian qua nhà trường rất quan tâm đến vấn đề giáo dục SKSS-SKTD, KHHGĐ cho sinh viên. Nhà trường chỉ đạo cho Hội sinh viên, Đoàn thanh niên luôn chú trọng đến vấn đề này, mỗi quý tổ chức một hội thi như: Hội thi sinh viên với sống thử, Hội thi tìm hiểu kiến thức dân số, SKSS/KHHGĐ… đây là một sân chơi được sinh viên rất hưởng ứng, tạo không khí thi đua sôi nổi trong sinh viên.                                                                                                                      

Tuy nhiên, toàn tỉnh QB chỉ có 35 điểm mô hình trong đó có 6 điểm trường THCS, 6 điểm trường THPT và 23 điểm tại xã, phường, thị trấn được hưởng lợi, trong khi nhu cầu chưa được đáp ứng về SKSS-SKTD-KHHGĐ của VTN/TN còn rất cao (tới 46,4%). Việc nhân rộng các điểm và các hoạt động của mô hình cho VTN- TN là điều cần đặt ra và hướng tới để VTN- TN nhất là các bạn trẻ ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, ven biển... có thể được tiếp cận và tự tin hơn về lĩnh vực SKSS- SKTD.  

“Đầu tư cho thanh niên” nói chung và chăm sóc SKSS/SKTD cho VTN/ TN nói riêng chính là tạo môi trường phát triển toàn diện cả về tâm, trí, lực cho thế hệ trẻ, giúp các em tự tin bước vào đời thực hiện những ước mơ, hoài bão; góp phần thực hiện thành công công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe VTN/TN tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020. Để có được kết quả và nhu cầu như mong đợi rất cần sự nỗ lực, tham gia của các em và sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội vì tương lai và chất lượng giống nòi.

Hội thi "Tìm hiểu kiến thức về dân số SKSS-KHHGĐ cho VTN/TN

Tổ chức các hội thi là một trong những hoạt động giúp cho VTN/TN có thêm những kiến thức về SKSS- KHHGĐ

Lê Dung - Trung tâm TTGDSK tỉnh Quảng Bình

More
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG