Thực trạng công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh ở huyện miền núi Minh Hóa

Font size : A- A A+
          Hiện nay các dịch bệnh liên quan đến vệ sinh cá nhân, nước sạch và vệ sinh môi trường như tiêu chảy, viêm gan, nhiễm giun sán và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, hô hấp còn khá phổ biến tại vùng miền núi cao của huyện Minh Hóa. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ mắc các bệnh nêu trên là do người dân còn thiếu kiến thức về vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt, ăn ở mất vệ sinh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh và phong tục tập quán còn khá lạc hậu của một số vùng đồng bào dân tộc đang sinh sống tại đây. Việc thực hiện các hành vi vệ sinh với các xã như Trọng Hóa, Dân Hoá, Thượng Hoá,  Hoá Sơn còn yếu kém đặc biệt là hành vi rửa tay bằng xà phòng, thu gom rác thải không đúng nơi quy định, trâu bò gia súc gia cầm vẫn còn chăn nuôi theo lối thả rong với quan niệm cho rằng “người đâu, của đó” còn khá nặng nề.

 

          Nói đến Minh Hóa hẳn là người con của Quảng Bình thì rất nhiều người đã từng được nghe và từng được chứng kiến nét văn hóa truyền thống của Lễ hội Rằm tháng ba hay còn gọi là Chợ Tình tháng ba, điệu Hò thuốc…một nét văn hóa còn được lưu giữ rất độc đáo của miền quê này. Nằm cách trung tâm thành phố Đồng Hới 120km về phía Tây Bắc, huyện  Minh Hóa có 15 xã và 1 thị trấn. Dân số trên 49 nghìn người. Minh Hoá có dân tộc Kinh chiếm đa số và các dân tộc ít người Bru - Vân Kiều, tộc người Chứt, tập trung ở các xã biên giới (Dân Hoá, Trọng Hoá, Thượng Hoá và Hoá Sơn). Phần lớn diện tích của huyện Minh Hóa là địa hình núi cao, hiểm trở, trình độ dân trí thấp, kinh tế xã hội chậm phát triển, chủ yếu dựa vào các chính sách đãi ngộ của Nhà nước nên Minh Hóa còn gặp rất nhiều khó khăn.

 

Trâu bò, lợn gà được chăn thả gần với những hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường ở xã Trọng Hóa Huyện Minh Hóa

 

          Có một thực tế hiện nay ở các vùng nông thôn của huyện Minh Hóa là môi trường đang bị suy thoái nghiêm trọng, nguồn nước sinh hoạt bị đe dọa bởi sự xâm nhiễm của phân người, gia súc, chất thải sinh hoạt, chất thải từ các công trình xây dựng khá nhiều…Trong khi đó, đa số các vùng dân cư tập trung sinh sống không có hệ thống dẫn thoát nước thải, bà con thường thải nước sinh hoạt ra vườn nhà, đường đi hoặc các ao hồ, sông suối. Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, số người dân sử dụng trực tiếp nguồn nước sông, suối còn rất nhiều, họ dùng trực tiếp nguồn nước này để tắm giặt, nhiều gia đình không có nguồn nước sạch để dùng còn sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt…Bác Đoàn Hữu Hùng- Thôn Quyền - xã Thượng Hóa- huyện Minh Hóa cho chúng tôi biết: gia đình tôi không đủ nước sạch để dùng huống chi là tắm giặt, bà nhà tôi thường ra bờ suối gần nhà để lấy nước từ đó về dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

          Là địa phương có diện tích tự nhiên khá lớn, điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc nhưng tập quán thả rông gia súc vẫn còn là tình trạng phổ biến của bà con huyện Minh Hóa hiện nay. Ở những vùng sâu, vùng xa hầu hết các hộ đều không có chuồng trại, nhà nào có thì lại rất đơn sơ, tạm bợ, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Đáng lo ngại là các hộ chăn nuôi, làm chuồng trại và nhốt trâu bò, lợn gà ngay cạnh giếng nước ăn và các nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của gia đình, làm ô nhiễm trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt và môi trường sống của bà con. Thế nhưng để có điều kiện xây dựng được chuồng trại gia súc, gia cầm kiên cố, đảm bảo vệ sinh không phải là việc giải quyết được trong một sớm một chiều và việc quyết tâm di dời chuồng trại ra xa khu vực nhà ở hơn lại là vấn đề hết sức nan giải và khó khăn đối với người dân. Nhiều gia đình họ còn sống cách ly với cộng đồng. Cuộc sống định cư chưa thành thói quen, một số gia đình sống hoang sơ trong hang đá và thung lũng núi đá vôi, nhà cửa có thì cũng rất tạm bợ, đơn giản, thường bằng tre và lợp lá cây, mưu sinh chủ yếu dựa vào nương rẫy, săn bắn, hái lượm và bắt cá.

L.H

More
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG