Hỗ trợ người cận nghèo tham gia Bảo hiểm y tế - Cụ thể hóa việc bảo đảm chính sách an sinh xã hội

Font size : A- A A+
          Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thể chế hóa bằng Luật Bảo hiểm y tế với mục tiêu cao nhất là tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện chính sách BHYT cho người nghèo, người cận nghèo không những là bước tiến đáng kể trong quá trình xóa đói, giảm nghèo mà còn là cụ thể hóa việc bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ, người cận nghèo chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ để mua BHYT.

          Bảo hiểm y tế là một trong hai chính sách an sinh xã hội mang đậm ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ trong cộng đồng sâu sắc, đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng. Đặc biệt, kể từ khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 thì Quyền lợi của người tham gia BHYT nói chung và cho đối tượng hộ cận nghèo nói riêng ngày càng được mở rộng, công tác tổ chức và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đã được cải thiện đáng kể cả về quy trình và thủ tục. Người cận nghèo tham gia BHYT được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở. 

          Để thực hiện hoạt động hỗ trợ người cận nghèo mua bảo hiểm y tế, Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ được triển khai thực hiện trong thời gian từ tháng 7/2010 đến hết năm 2016, với mục tiêu ''Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng đặc biệt tại tuyến huyện, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân có khó khăn về kinh tế'' đây là một cơ hội tốt giúp cho đối tượng cận nghèo được hưởng lợi. Việc thực hiện Dự án này sẽ hỗ trợ thêm cho người cận nghèo 5-10% chi phí để mua thẻ BHYT, vì thế việc tham gia BHYT đối với người cận nghèo không còn nhiều khó khăn như trước.

          Với cụ bà Trần Thị Luyện – Thôn Tả Phan - xã Duy Ninh -Quảng Ninh năm nay cụ 74 tuổi và đã 13 năm điều trị chạy thận nhân tạo nếu không được sự hỗ trợ của Nhà nước và được BHYT chi trả chi phí điều trị thì với tấm thân già neo đơn của cụ thì rất khó khăn để điều trị bệnh dài ngày. Hay như bệnh nhân Cao Thị Đằng – dân tộc Rục - huyện Minh Hoá đang điều trị bệnh ung bướu tại khoa Ung bướu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cuba Đồng Hới chia sẻ: ‘gia đình tôi khó khăn lắm, may nhờ có Nhà nước giúp tôi chữa bệnh, BHYT chi trả tiền viện phí cho tôi chứ nếu không thì bệnh tình tôi không biết phải xoay xở thế nào”.

          Có thể nói, không chỉ riêng gia đình bà Trần Thị Luyện hay gia đình chị Cao Thị Đằng, mà với rất nhiều người bệnh, nhất là người bệnh nghèo khi phải đi khám chữa bệnh, đi nằm viện trong thời gian dài ngày mới thấy hết được giá trị của thẻ BHYT, của chính sách đầy tính nhân văn và ưu việt của BHYT. Lúc này chiếc thẻ BHYT nhỏ bé đó không chỉ là chiếc phao cứu sinh giúp người bệnh đỡ phải đóng tiền viện phí nhiều vì đã có Quỹ BHYT chi trả hầu hết những dịch vụ, nhiều loại thuốc trong danh mục mà còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc... Đặc biệt là từ tháng 11/2015 này, khi mà giá của khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh thì vai trò của thẻ BHYT lại càng trở nên quan trọng và cần thiết với người dân hơn bao giờ hết.

          Ngoài đối tượng người nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT, thì đối tượng cận nghèo ngày càng được hỗ trợ nhiều hơn. Cụ thể, Năm 2012, đón đầu những quyết sách liên quan tới bảo hiểm y tế như: thông báo của Văn phòng Chính phủ mà sau là Quyết định 797 QĐ-TTg ngày 26/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ mệnh giá BHYT cho người cận nghèo từ 50% lên 70%. Đồng thời tiếp tục xây dựng các phương án  hỗ trợ người cận nghèo các tỉnh Bắc Trung bộ tham gia bảo hiểm y tế theo hướng giảm dần mức hỗ trợ từ 40% và 30% (2011) xuống 20% và 10% (2012), từ 2013-2015 là 10% và 5%. Đặc biệt theo Quyết định số 705 của Thủ tướng Chính phủ, những đối tượng cận nghèo vừa thoát nghèo được hỗ trợ 100% mức mua thẻ BHYT. Đây thực sự là một chính sách thiết thực, mang đến niềm vui cho hàng vạn hộ gia đình cận nghèo trên cả nước nói chung và các hộ gia đình cận nghèo của tỉnh Quảng Bình nói riêng, tạo sự yên tâm cho người nghèo, người cận nghèo trong chăm sóc sức khỏe.

          Ông Phạm Thanh Tùng – Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Nhóm đối tượng cận nghèo nhận được rất nhiều quyền lợi khi tham gia BHYT, đặc biệt theo quy định mới, nguời cận nghèo chỉ cùng chi trả 5% chi phí chứ không phải 20% như trước đây. Ngoài quyền lợi được KCB ngoại trú, nội trú, được siêu âm, xét nghiệm và thụ hưởng những dịch vụ kỹ thuật cao thì bắt đầu từ 1/1/2016 trở đi BHYT mở rộng quyền lợi cho chuyển tuyến, thông tuyến đối với nguời cận nghèo khi đăng ký KCB ban đầu tại TYT hoặc bệnh viện tuyến huyện thì được khám ở TYT và nguợc lại mà không cần phải có giấy chuyển từ TYT lên bệnh viện huyện. Toàn bộ những nguời có thẻ BHYT cận nghèo được thông tuyến về tuyến huyện, điều này mở ra rất nhiều quyền lợi cho người cận nghèo có thẻ BHYT trong KCB”.

          Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong năm 2015 đã có trên 15.000 nghìn luợt thẻ BHYT được cấp cho người cận nghèo, với kinh phí gần 500 triệu đồng. Luỹ kế từ năm 2011 cho đến nay đã có 185.000 nghìn lượt thẻ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và từ Dự án Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ  với 15 tỷ đồng đã được giải ngân. Với mức hỗ trợ như vậy người cận nghèo không chỉ có nhiều cơ hội thuận lợi khi tham gia BHYT mà đó còn là lợi ích thiết thực của những hộ cận nghèo chẳng may gặp ốm đau hoạn nạn, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình.

          Ngoài ra, để người cận nghèo nhanh chóng được hưởng lợi từ Nhà nước và Dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong toàn tỉnh tích cực rà soát, tuyên truyền vận động để hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT. Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ đã phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ BHYT cho người cận nghèo tại các huyện; trang bị cho cán bộ xã và đại lý thu BHYT những kiến thức cơ bản để tuyên truyền vận động người cận nghèo tham gia BHYT... Với sự nỗ lực của dự án và các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhiều địa phương đã làm tốt công tác vận động người cận nghèo tham gia BHYT, tiêu biểu như: thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy; thị xã Ba Đồn; thị trấn Đồng Lê, xã Đức Hóa, xã Phong Hóa, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa)...

          Để chính sách hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT thực sự là một giải pháp giúp người cận nghèo thoát nghèo một cách bền vững và thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân. Bên cạnh việc tăng mức phí BHYT nhằm cải thiện chất lượng và dịch vụ y tế phục vụ người bệnh, Chính phủ cũng đã nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo. Đây thực sự là một quyết định mang đến nhiều lợi ích cho không chỉ bản thân, gia đình nguời bệnh, mà còn là bước tiến thúc đẩy lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.

          Ông Nguyễn Đức Cường- Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, Trưởng ban Quản lý Dự án hỗ trợ Y tế các tỉnh Bắc Trung Bộ tỉnh Quảng Bình cho biết: ‘‘Để tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ nguời cận nghèo tham gia BHYT một cách bền vững sau khi dự án kết thúc cần tiếp tục thông tin tuyên truyền đến từng hộ dân. Chính phủ cũng đã ban hành chính sách, ngoài việc hỗ trợ 70% của Nhà nước thì giao cho các địa phương bổ sung tiếp 30% còn lại cho người cận nghèo; Sử dụng kết dư BHYT hàng năm để quay trở lại hỗ trợ cho người cận nghèo mua 30% còn lại. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho người dân, những người làm trực tiếp, những cộng tác viên, những người trưởng thôn, những người gần dân nhất, gần đối tượng cận nghèo nhất để tuyên truyền mua thẻ BHYT”.

Bác sỹ Bùi Vỹ Nhân - phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện hữu nghị Việt Nam Cuba Đồng Hới đang thăm khám cho bệnh nhân

          Có thể thấy rằng, triển khai thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT là việc làm thể hiện được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, đồng thời thực hiện tốt chính sách BHYT hỗ trợ cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tuy vậy, để tăng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT thì ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền vận đông người cận nghèo tham gia; sự phối hợp giữa ngành Y tế với cơ quan BHXH và các ban ngành liên quan nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia BHYT, nhất là chất lượng khám chữa bệnh. Thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp. Đặc biệt cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của đại bộ phận người dân hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc tham gia mua thẻ BHYT. Không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ thêm của Nhà nước vì sức khoẻ của chính bản thân mình. Vì một số người cho rằng thẻ BHYT gần như không sử dụng nên không cần thiết. Vì nếu có bệnh thì thường đi khám dịch vụ, nhưng đó chỉ là đi khám còn khi phải nhập viện điều trị lại là một vấn đề khác, đặc biệt là với những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị kéo dài, thì tấm thẻ BHYT vẫn có giá trị và ý nghĩa như phao cứu sinh, nếu không may bị bệnh vẫn có điều kiện điều trị đến cùng mà không lo gánh nặng tài chính cho mỗi gia đình.

L.H

More
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG