Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi - cần sự chung tay của cộng đồng

Font size : A- A A+

          Số người già trên 60 tuổi ở nước ta hiện chiếm khoảng 10,5%, chỉ số già hóa là 44,6% và con số này đang tiếp tục gia tăng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á và đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa từ năm 2011, kết quả từ sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng lên… Điều này tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Bên cạnh mặt tích cực, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội dành cho người cao tuổi (NCT). Đây là một trong 5 nội dung chính của mục tiêu nâng cao chất lượng giống nòi mà Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh đang thực hiện. 

Thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa nội Bệnh viện đa khoa Bố Trạch - Quảng Bình

          Thực hiện Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối kết hợp của các ban ngành, đoàn thể, sự tham gia vào cuộc của mỗi người dân, công tác DS- KHHGĐ đã triển khai các hoạt động và đạt được những kết quả đáng khích lệ; các chỉ tiêu kế hoạch về chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cơ bản hoàn thành, ổn định quy mô dân số- chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số, kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh … Song song với nhiệm vụ giảm mức sinh và sinh con thứ 3, công tác Dân số -KHHGĐ tỉnh trong thời gian qua đã tập trung thực hiện việc nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, giảm thiểu tình trạng kết hôn cận huyết thống, nâng cao sự hiểu biết về SKSS cho đối tượng VTN/TN…. Bên cạnh đó, công tác tư vấn chăm sóc sức khoẻ NCT cũng được chú trọng và bước đầu triển khai có hiệu quả với sự đồng thuận cao từ cộng đồng.

          Hiện nay, chúng ta đang đứng trước thực trạng cơ cấu dân số biến đổi nhanh từ giai đoạn “cơ cấu dân số trẻ” sang giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” và “già hóa dân số”. Sự chuyển đổi này đưa đến nhiều thời cơ thuận lợi nhưng đồng thời đặt ra những thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với công tác DS- KHHGĐ nói riêng trong thời gian tới. Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt mức 73 tuổi, tăng hơn 33 tuổi so với thời kỳ những năm 1960. Ngoài ra, nhóm “dân số vàng” đang độ tuổi lao động trong 5-10 năm tới sẽ “ đẩy lên” thành NCT khiến số NCT ở nước ta tăng nhanh hơn, điều này đồng nghĩa với việc NCT sẽ chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số.

          Quảng Bình là địa phương thể hiện xu hướng này. Theo số liệu báo cáo của Hội người cao tuổi tỉnh, tỉnh ta có hơn 100.934 NCT chiếm tỷ lệ 11,7%. Toàn tỉnh có 17.890 cụ từ 80 đến 89 tuổi, 4.603 cụ từ 90-99, đặc biệt có 97 cụ 100 tuổi trở lên. Trong khi đó chỉ có khoảng 12-13% NCT sống ở thành thị, còn lại phần lớn sống ở nông thôn. Số NCT có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng là 28.661 người, chiếm một tỷ lệ nhỏ khoảng 29%.

          Số NCT tăng, vì vậy nhiều vấn đề đặt ra để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số đó là công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho NCT. Tỷ trọng người cao tuổi tăng tác động đến mô hình bệnh tật và nguyên nhân bệnh tật của NCT thay đổi nhanh chóng. Các bệnh mãn tính không lây như: xương khớp, tim mạch và huyết áp, rối loạn tiểu tiện; những bệnh tật phát sinh như: sa sút tinh thần và trầm cảm... có xu hướng tăng. NCT chưa có thói quen khám bệnh định kỳ vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, nguy cơ khuyết tật cũng rất cao, thường gặp  nhất là khuyết tật về mất thị lực và thính lực. Các bệnh về tim mạch, ung thư và hô hấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên. Có thể nói rằng, NCT phải đối mặt với gánh nặng về sức khỏe nhưng việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe lại đang gặp hạn chế và có sự khác biệt lớn giữa khu vực nông thôn, miền núi với thành thị. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của nhiều NCT trên địa bàn tỉnh ta còn rất khó khăn, nhất là đối với nhiều xã còn gặp nhiều khó khăn như xã Tân Hoá, Dân Hoá, Trọng Hoá… ( huyện Minh Hoá), Trường Xuân, Trường Sơn… ( huyện Quảng Ninh), Ngân Trạch, Thượng Trạch… ( Bố Trạch) điều này ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc và điều trị sức khỏe NCT. Một thực tế hiện nay của Quảng Bình là hệ thống y tế lão khoa, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của NCT. Hệ thống nhà dưỡng lão cho NCT còn ít so với nhu cầu thực tế và hoạt động cũng chưa thật đúng nghĩa như các trung tâm bảo trợ xã hội là nơi chăm sóc những người già, trẻ em, những người không nơi nương tựa, gặp khó khăn trong cuộc sống.

          Trong những năm qua, chăm sóc người cao tuổi là một chính sách luôn được coi trọng trong tất cả các giai đoạn phát triển của tỉnh nhà. Năm 2011, Mô hình “Tư vấn chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” đã được triển khai tại Quảng Bình. Các hoạt động thiết thực của mô hình đã góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động về Tư vấn chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm DS- KHHGĐ các huyện, thành phố triển khai mô hình tại cơ sở như thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ “ Người cao tuổi giúp người cao tuổi ”; Tổ chức khám tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; Xây dựng và duy trì hoạt động mạng lưới tình nguyện viên tại các điểm mô hình nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động tư vấn, chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về DS-KHHGĐ nói chung, chăm sóc người cao tuổi nói riêng. Coi trọng người cao tuổi là vốn quý của gia đình và xã hội. Đồng thời tăng cường truyền thông, tư vấn, giáo dục về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi.

          Để NCT nhận được nhiều hơn sự quan tâm, chăm sóc của xã hội, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các ngành để xây dựng và ngày một hoàn thiện các công trình phúc lợi xã hội như hệ thống y tế lão khoa, hệ thống nhà dưỡng lão để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của NCT tỉnh nhà. Chúng ta cần duy trì mức sinh đạt được hiện nay xung quanh mức sinh thay thế (mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con). Bên cạnh đó, cần có các giải pháp thích ứng với vấn đề "già hóa dân số" bằng hệ thống chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi, nhờ kinh nghiệm vốn có của người cao tuổi…tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi nhằm khuyến khích họ mang những kiến thức, kinh nghiệm quý báu truyền cho thế hệ con cháu, tạo nên và duy trì sự phát triển mang tính chiến lược và bền vững.

          Tự hào về thành tựu nâng tuổi thọ trung bình, đồng thời thực hiện đạo hiếu với bậc tiền bối, sinh thành, với trách nhiệm của mỗi người tới sự phát triển bền vững của các thế hệ tiếp sau, chúng ta hãy cùng chung tay vượt qua thách thức của già hóa dân số và tích cực thực hiện chính sách DS- KHHGĐ “dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”; “Chăm sóc người cao tuổi” góp  phần thiết thực nâng cao chất lượng dân số và thực hiện thành công chiến lược dân số giai đoạn 2011- 2020.

Dung Lê

More
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG