Khởi động Dự án “Phòng chống Lao khu vực tại Việt Nam giai đoạn 2022-2024”

Font size : A- A A+

          Sáng ngày 31/7/2023, tại TP. Đồng Hới, Sở Y tế Quảng Bình phối hợp với Bệnh viện phổi Trung ương - Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Phòng chống Lao khu vực tại Việt Nam giai đoạn 2022-2024”. Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Bình Hoà, PGĐ Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng  Ban điều hành CTCLQG cùng các thành viên trong Ban điều hành; lãnh đạo Sở Y tế, đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo CTCL các tỉnh thụ hưởng dự án.

Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Y tế phát biểu chào mừng Hội thảo

          Từ năm 2019 đến nay, Quảng Bình là một trong 6 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Y tế và Bệnh viện phổi Trung ương - Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) quan tâm, hỗ trợ thông qua Dự án Phòng chống Lao khu vực tại Việt Nam do Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét viện trợ.

PGS.TS Nguyễn Bình Hoà, PGĐ Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành CTCLQG phát biểu tại Hội thảo

          Tiếp nối sự thành công của Dự án phòng chống Lao khu vực giai đoạn I (2019-2021), Bệnh viện phổi Trung ương - Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) tiếp tục triển khai thực hiện Dự án phòng chống Lao khu vực giai đoạn II (2022-2024) với tổng ngân sách 953.478 USD cho mục đích giảm ghánh nặng bệnh lao trong nhóm di dân tiểu vùng sông Mê-kong mở rộng trong đó tập trung vào các tỉnh có chung biên giới với Lào, Campuchia (An Giang, Tây Ninh, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Hội thảo đã triển khai các nội dung về quy trình sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh lao, áp dụng chiến lược 2X cho nhóm người di cư và nhóm dân di biến khu vực biên giới trên địa bàn, các nguyên tắc chủ yếu về quản lý và sử dụng kinh phí quỹ toàn cầu với tổng ngân sách và cơ chế quản lý các hoạt động triển khai của dự án….

Bác sĩ CKII. Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

          Theo số liệu thống kê của CTCL tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Quảng Bình phát hiện, thu nhận và điều trị 496 bệnh nhân lao các thể, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Những đơn vị có số bệnh nhân lao tăng hơn 100% so với cùng kỳ như Minh Hoá, Tx. Ba Đồn, Quảng Trạch, TP.Đồng Hới, Quảng Ninh…

          Nhờ sự hỗ trợ kinh phí của Dự án phòng chống Lao khu vực, lần đầu tiên công nghệ 2X đã được triển khai tại những khu vực vùng sâu vùng xa, các xã biên giới khó tiếp cận với các dịch vụ Y tế, kỹ thuật cao tại tỉnh ta. Số bệnh nhân lao phát hiện tại các xã biên giới cho thấy dịch tễ bệnh lao còn rất cao, số bệnh nhân có bằng chứng vi khuẩn học khoảng 116.8/100.000 dân, bệnh nhân lao các thể khoảng 467/100.000 dân….Thời gian tới, CTCL tỉnh tiếp tục duy trì các hoạt động phát hiện, thu nhận bệnh nhân lao. Triển khai có hiệu quả các hoạt động của dự án phòng chống lao - CTCLQG với các hoạt động thường quy tầm soát quản lý lao kháng đa thuốc(PMDT), công tác phối kết hợp y tế công tư (PPM), hoạt động phối hợp lao/HIV, lao tiềm ẩn, sàng lọc đầu vào cho phạm nhân mới nhập trại.

Toàn cảnh hội thảo

          Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Bình Hoà, PGĐ Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng Ban điều hành CTCLQG cho biết: Dự án phòng chống Lao khu vực tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024 rất cần sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các đối tác trong và ngoài nước và toàn xã hội để xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách thuận lợi, cũng như cam kết và hỗ trợ kinh phí nhằm triển khai đồng bộ các can thiệp ưu tiên, góp phần tăng cường sự tiếp cận của người dân với dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao, phù hợp với cam kết khu vực và toàn cầu, hướng đến chấm đứt bệnh lao vào năm 2035.

Nguyễn Trang

Một số hình ảnh ghi nhận:

 

More
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG