Ngành y tế Quảng Bình - đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành cùng ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Font size : A- A A+

          Ngay sau khi nhận được thông tin về việc cá biển chết chưa rõ nguyên nhân, trôi dạt vào bờ biển địa bàn, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đặc biệt là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nhanh chóng cử tổ công tác phối hợp với các Trung tâm Y tế dự phòng trực tiếp xuống địa bàn, làm việc với các trạm y tế xã để nắm bắt các thông tin liên quan. Tổ công tác đã khảo sát thực địa, nắm bắt tình hình cá chết thực tế tại các khu vực theo phản ánh và làm việc với một số cơ sở dịch vụ ăn uống khu vực lân cận về việc đảm bảo an toàn thực phẩm đồng thời tuyên truyền người dân tuyệt đối không được sử dụng cá chết chưa rõ nguyên nhân để làm, chế biến thực phẩm. Cũng qua đó Sở Y tế đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống, chú trọng các cơ sở dịch vụ ăn uống tại khu vực ven biển.

 

          Ngay khi có chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng thành phố Đồng Hới làm việc với lãnh đạo của bãi tắm Nhật Lệ, Ban quản lý chợ thành phố Đồng Hới thông báo về sự việc cá chết chưa rõ nguyên nhân, đề nghị các đơn vị tăng cường tuyên truyền đến các cơ sở, đối tượng thuộc phạm vi quản lý không kinh doanh, sử dụng các loại cá chết chưa rõ nguyên nhân để làm thực phẩm, phục vụ ăn uống. Mặt khác, ngành y tế đã bố trí cán bộ thường trực để trực tiếp nhận thông tin tình hình an toàn thực phẩm, sẵn sàng lực lượng để phối hợp với các đơn vị nhanh chóng khắc phục khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra.

 

Cán bộ, công nhân viên ngành Y tế Quảng Bình hưởng ứng mua cá ủng hộ ngư dân


          Ngoài việc chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong thời gian vừa qua, ngành Y tế cũng đã chủ động trong công tác phối hợp liên ngành về an toàn thực phẩm như: Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Công An tiến hành thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó tập trung các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh hải sản. Qua đó yêu cầu các cơ sở dịch vụ ăn uống thuộc diện quản lý không được sử dụng cá chết không rõ nguyên nhân để chế biến phục vụ khách hàng; phối hợp với Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chủ trì lấy mẫu cá, mẫu nước biển tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Đồng Hới; Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thường trực tại Cảng Gianh, Cảng Nhật Lệ để xác nhận nguồn gốc thuỷ sản đánh bắt xa bờ; Phối hợp với Trung tâm YTDP tỉnh, YTDP thành phố Đồng Hới, Quảng Trạch, Bố Trạch lấy mẫu cá chết dạt vào bờ biển và mẫu nước biển tại một số địa điểm trên địa bàn ven biển để kiểm nghiệm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng, trong đó tập trung chủ yếu tại các chợ đầu mối, khu vực Bãi tắm Nhật Lệ…lập tức thu gom tiêu hủy hải sản chết, tuyệt đối không ăn hay mang về làm thức ăn chăn nuôi. Ngành y tế cũng khuyến cáo độc tố trong hải sản chết khá nhiều, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người và các vật nuôi khác.


          Những hoạt động trong thời gian qua và sự chủ động phối hợp liên ngành của ngành y tế nên tình hình VSATTP được kiểm soát tương đối ổn định, trên địa bàn chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến cá chết chưa rõ nguyên nhân. Cũng thông qua công tác tuyên truyền ngành Y tế đã kịp thời thông tin sâu rộng đến cộng đồng về tình trạng cá chết chưa rõ nguyên nhân, tạo tâm lý an tâm, không gây hoang mang dao động đến với người dân. Đặc biệt, để thiết thực ủng hộ ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn và yên tâm vươn khơi, bám biển ở vùng biển xa đưa đến nguồn thuỷ hải sản an toàn cho người tiêu dùng, lãnh đạo Sở Y tế cùng cán bộ, công chức, viên chức tham gia mua, tiêu thụ sản phẩm thuỷ hải sản đã được chứng nhận đảm bảo nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Địa điểm mà các cán bộ, công chức, viên chức Sở Y tế lựa chọn để mua thủy hải sản do ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa là Siêu thị Coop Mart Quảng Bình. Tại đây, các loại thủy hải sản được tiêu thụ với số lượng lớn là cá nục, cá bạc má, cá ngừ, mực và nhiều loại thuỷ hải sản khác. Đây là những sản phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm nguồn gốc, các chỉ tiêu xét nghiệm trong các mẫu cá đã lấy đều nằm trong giới hạn cho phép nên rất an toàn đối với người tiêu dùng.


          Qua việc làm này của cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ, mua thuỷ hải sản có nguồn gốc và được kiểm định an toàn, Sở Y tế mong muốn người dân hãy cùng là người tiêu dùng thông thái, dùng thực phẩm đảm bảo an toàn đã qua kiểm định chất lượng, tuyệt đối không ăn, sử dụng thuỷ hải sản đã chết trôi dạt và không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định. Sử dụng nguồn thuỷ hải sạch được chứng minh nguồn gốc rõ ràng cũng là góp một phần nhỏ bé giúp bà con ngư dân vượt qua khó khăn để tiếp tục vươn khơi bám biển, ổn định cuộc sống.


          Được biết Theo văn bản chứng nhận số 2890/ATTP-NĐ của cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì các mẫu hải sản tươi sống như cá Thu, cá Bớp, Mực, cá Ngừ… được lấy mẫu tại vùng biển thuộc các địa phương như Thị xã Ba Đồn; xã Quảng Đông huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) để kiểm tra các chỉ số kim loại nặng như Thủy Ngân, Chì, Crôm, kẽm, sắt, đồng, madini và Xyanua…Kết quả phân tích cho thấy các thành phần kim loại nặng có trong mẫu hải sản tươi sống này đều nằm trong giới hạn cho phép, đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Song song với kết quả kiểm nghiệm nước biển tại các địa phương xã Quảng Đông (Quảng Trạch), Bãi tắm Nhật Lệ (Tp. Đồng Hới), Bãi tắm Hải Ninh (Quảng Ninh)… Kết quả quan trắc cho thấy nước biển ở những khu vực này ổn định, các thông số nằm trong giới hạn cho phép đảm bảo an toàn. Trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các loại thủy sản được bà con ngư dân đánh bắt xa bờ tại các ngư trường được xác định đảm bảo ATVSTP để bảo vệ sức khỏe của người dân.


Lê Hồng

More
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG