Gian nan công tác giảm sinh con thứ 3 tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa

Xem với cỡ chữ : A- A A+

          Minh Hóa là huyện miền núi rẻo cao. Nơi đây tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: dân tộc Bru-Vân Kiều, Chứt, Thổ, Mường, Thái, Tày, A Rem sống tập trung ở các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa. Lâu nay tình trạng sinh nhiều con vẫn còn tồn tại, do phong tục tập quán và trình độ dân trí ở đây còn hạn chế.

Công tác truyền thông về Ds - KHHGĐ cho bà con đồng bào luôn được các cấp chính quyền ở đây quan tâm

 

          Lấy chồng từ năm 17 tuổi, năm nay mới 24 tuổi nhưng chị Hồ Thị Mén, bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đã có 3 con. Hai vợ chồng không có việc làm ổn định, cuộc sống hàng ngày nhờ vào việc hái măng bắt cá ven suối. Căn nhà nhỏ của gia đình 5 người nằm cheo leo trên lưng núi, ngoài một ít gạo được nhà nước hỗ trợ, mấy bộ áo quần vắt ngang dọc thì không có bất cứ thứ gì đáng giá. Chị Mén tâm sự, phong tục ở đây là lấy chồng sớm, con gái 17 - 18 mà không lấy chồng thì sẽ “ế”...Mình thích nhau thì lấy nhau thôi. Khi được hỏi về việc sinh nhiều con: Chị Mén giải thích “Đến đứa thứ 3, tôi cũng định dừng rồi, cũng đã dùng biện pháp tránh thai rồi nhưng chồng mình không thích, rồi lỡ thì mình sinh thôi”. 

          Ông Đinh Minh Thuận, viên chức dân số xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, trung bình mỗi năm, xã có khoảng 20 cặp vợ chồng sinh con thứ 3, rất nhiều cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi. Mặc dù cán bộ dân số xã thường xuyên tuyên truyền về tác hại của sinh nhiều con song các hủ tục vẫn còn tồn tại trong đồng bào dân tộc khiến việc giảm thiểu tình trạng sinh nhiều con gặp nhiều khó khăn. 

          Gia đình anh Hồ Xu (sinh năm 1979) và chị Hồ Thị Pha (sinh năm 1980) tại Bản Rôông xã Trọng Hóa có 08 người con. Đứa con út chị sinh vào tháng 11/2023 khi tuổi đã cao trong hoàn cảnh đã đông con đông cháu. Gia đình sống nhờ vào nương rẫy và rau rừng cá suối. Khi Cộng tác viên đến gia đình thì được anh Hồ Xu cho rằng “trời sinh voi thì sinh cỏ” và “sinh nhiều con thì sẽ có đông lao động làm nương rẫy”.

          Trong những năm qua, công tác truyền thông dân số -KHHGĐ tại vùng đồng bào Dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc vận động giảm sinh. Để vận động được một đối tượng thực hiện biện pháp tránh thai, viên chức dân số, cộng tác viên dân số phải dày công đi lại nhiều lần, “mưa dầm thấm lâu”, giúp người đồng bào hiểu được lợi ích của kế hoạch hóa gia đình và chọn một biện pháp tránh thai phù hợp. Quá trình vận động còn gian nan vất vả do nhận thức của bà con còn hạn chế nên các biện pháp tránh thai có tính lâu dài và bền vững như vòng tránh thai, thuốc uống tránh thai thì lại được ít đối tượng lựa chọn, họ e ngại rằng sẽ gặp các rủi ro như: Lệch và tuột vòng, đau bụng, đau lưng, rong kinh, viêm nhiễm… rồi quên uống thuốc, quên lời hướng dẫn, không biết chữ để đọc …Các gia đình muốn sinh nhiều con để có nhân lực lao động; tâm lý trọng nam khinh nữ, muốn có con trai để giữ tài sản. Ngoài ra việc thực hiện biện pháp tránh thai không thường xuyên liên tục, dễ thay đổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến số con trong gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số.

          Theo số liệu thống kê tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa nơi có đông đồng bào sinh sống trung bình trên 30%. Năm 2023 xã Dân Hóa là 33.8%, xã Trọng Hóa 55.42%, xã Thượng Hóa 24.39%.

          Để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, thời gian qua Trung tâm Y tế đã chỉ đạo viên chức và cộng tác viên dân số công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường công tác truyền thông trong đó ưu tiên truyền thông tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, một lần chưa thấu chưa hiểu thì đi nhiều lần. Tuyên tuyền ngắn gọn dễ hiểu về tác hại của việc sinh nhiều con ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và con trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế gia đình để nâng cao nhận thức của người dân về kế hoạch hóa gia đình. Tăng cường công tác phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương, bộ đội biên phòng, Y tế thôn bản để cùng đồng lòng tuyên truyền chính sách dân số nâng cao hiểu biết cho bà con đồng bào giúp bà con nâng cao hiểu biết và tự chọn lựa biện pháp tránh thai phù hợp. BsCKI Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết thêm.

(Như Quyên – Nhật Dương, Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa)

ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG