"Cá tầng nổi an toàn"- những tín hiệu vui

Xem với cỡ chữ : A- A A+

          Tập trung đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyên truyền, vận động người dân nói không với thực phẩm bẩn là một trong những hoạt động được ngành y tế tập trung chú trọng. Mặt khác, toàn ngành mà vai trò chức năng là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tăng cường nhiều hoạt động, nhất là việc phối hợp với các đơn vị liên quan trong kiểm tra, xác nhận nguồn hải sản an toàn để giúp người dân an tâm khi sử dụng hải sản góp phần tạo điều kiện cho ngư dân vượt qua khó khăn, vươn khơi, bám biển.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP kiểm tra chất lượng, nguồn gốc thực phẩm tại các siêu thị

 

          Sau thời gian khá dài chờ đợi, người dân đã nhận được thông tin chính thức từ Bộ Y tế về việc nên và không nên sử dụng nguồn hải sản nào tại các tỉnh miền Trung trong đó có tỉnh ta do ảnh hưởng nặng nề từ chất thải của Formosa. Theo kết quả kiểm nghiệm, phân tích từ các mẫu hải sản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng các hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý thuộc 4 tỉnh miền Trung vì đang nhiễm phenol và khẳng định hải sản ở tầng nổi hoàn toàn an toàn cho việc sử dụng làm thực phẩm. Từ kết quả thu nhận được sau thời gian nghiên cứu, phân tích các mẫu hải sản vùng biển miền Trung theo quy chuẩn, Bộ Y tế cho rằng tất cả các mẫu hải sản từ 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm đối chứng đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có Xyanua – chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong các tỉnh trên đều nằm trong giới hạn cho phép, bảo đảm an toàn theo quy định. Đối với Phenol, tất cả các hải sản tầng nổi (cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại khác sống ở tầng nổi) tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có Phenol. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện 132/1040 mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung có Phenol, bao gồm: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá- là các loài sống ở tầng đáy. Phân bố các mẫu hải sản nhiễm Phenol này đều nằm trong phạm vi từ 5 – 25 km (tương đương 2,7 – 13,5 hải lý). Tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất là tại Hà Tĩnh và Quảng Bình. Từ kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế kết luận: Tất cả hải sản sống ở tầng nổi, hải sản nuôi tại đầm của 4 tỉnh miền Trung đều bảo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa bảo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

 

          Mặc dù đã có kết quả công bố của Bộ Y tế về chất lượng nguồn hải sản trên địa bàn tỉnh ta, song nhiều người dân vẫn bày tỏ mối lo ngại, có người cho rằng, khó có thể biết được đâu là hải sản tầng nổi và đâu là hải sản tầng đáy. Chị Phạm Hằng ở phường Ba Đồn thị xã Ba Đồn cho hay: Ngóng chờ tin này đã lâu song khi có được kết quả chính xác, chúng tôi vẫn còn rất nhiều băn khoăn, đắn đo trước khi mua hải sản. Theo chị thì ngoài các loại cá mà Bộ Y tế đã kể tên (chưa nói đến là ở các địa phương, người dân có thể gọi các tên cá khác nhau) thì còn rất nhiều loại cá khác thường xuất hiện ở chợ mà chị không thể phân biệt được thuộc tầng đáy hay tầng nổi, thế nên rất khó lựa chọn. Chị Hằng mong rằng, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể hơn, sát thực hơn để người dân được cung cấp thông tin và kiến thức cơ bản khi chọn mua và sử dụng hải sản. Một chủ hàng cá ở Chợ Nam Lý bày tỏ niềm vui khi có được thông tin về những loại hải sản an toàn từ cơ quan chức năng. Theo chị thì đây là cơ sở để chị chọn những hải sản an toàn trước khi bán cho khách, song nhiều khi chị không biết để trả lời sao cho đúng khi khách hỏi cá kình, cá bơn... thuộc tầng đáy hay tầng nổi vì chính chị cũng không rõ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ khi có công bố từ cơ quan chức năng, hoạt động mua bán hải sản ở các chợ trên địa bàn tỉnh ta diễn ra sôi động hơn. Không ít người dân bày tỏ sự vui mừng vì từ nay có thể ăn hải sản sau một thời gian khá dài "kiêng khem" vì sợ hải sản bị nhiễm các loại độc tố gây hại cho sức khỏe. Và cũng không ít ý kiến mong rằng, các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ ngư dân và cả người kinh doanh, người tiêu dùng trong việc giám sát, xác nhận hải sản an toàn, cung cấp kiến thức về lựa chọn hải sản thuộc tầng nổi để giúp người dân chủ động hơn khi chọn mua. Tại chợ Đồng Hới, chợ Ba Đồn, hầu hết những người buôn bán hải sản được hỏi đều phấn khởi, chị Thu, người bán cá lâu năm tại chợ Ba Đồn cho biết: "Sau thảm họa cá chết do Formosa Hà Tĩnh gây ra, tất cả các hộ kinh doanh cá tại chợ đều rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười, có người nghỉ luôn việc làm ăn lâu năm vì không buôn bán gì được. Giờ có kết luận của Bộ Y tế hải sản tầng nổi an toàn, chúng tôi rất mừng và tiếp tục kinh doanh hải sản để mưu sinh cho gia đình".

 

          Qua trao đổi với bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế, chúng tôi được biết: Thời gian qua, toàn ngành đã tập trung nhiều hoạt động như tăng cường công tác giám sát các địa bàn, nhất là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa môi trường gây nên tình trạng cá chết hàng loạt để có những giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở ở khu vực ven biển cũng được toàn ngành chú trọng. Ngoài việc chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn, ngành đã thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành về an toàn thực phẩm trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó tập trung các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh hải sản; yêu cầu các cơ sở dịch vụ ăn uống thuộc diện quản lý không được sử dụng hải sản không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn phục vụ khách hàng. Trên cơ sở phân tích đánh giá và kết luận của Bộ Y tế, ngành y tế tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát thực địa, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xác nhận nguồn gốc hải sản, gửi mẫu hải sản cho Viện kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia để phục vụ công tác giám sát theo yêu cầu của Bộ Y tế.

 

          Và để giúp người dân chủ động hơn trong việc lựa chọn hải sản, ngành sẽ tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân cách nhận biết nguồn hải sản an toàn và chưa an toàn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

 

Lê Hồng - Trung tâm TTGDSK

Các tin khác
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG