Tăng cường công tác dự phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết

Xem với cỡ chữ : A- A A+

          Đó là một trong những hoạt động được ngành Y tế tỉnh ta tập trung chú trọng nhằm ứng phó với các tình huống phức tạp do dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra. Toàn ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông phòng chống bệnh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần và đủ để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, tránh nguy cơ sốt xuất huyết lây lan rộng ra cộng đồng.

 

          Phòng bệnh là then chốt

 

          Những tháng vừa qua, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và có những diễn biến phức tạp. Số trường hợp mắc có xu hướng tăng, tập trung ở một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (chiếm 57,9%), tiếp đó là khu vực miền Trung (chiếm 25,8%); riêng khu vực Tây Nguyên chiếm 15,1%, tăng khá cao so cùng kỳ năm 2015. Đã có nhiều trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, đây là dấu hiệu đáng lo ngại đối với sức khỏe cộng đồng. Theo đánh giá của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, bệnh SXH bùng phát mạnh ở Tây Nguyên là do thời tiết biến đổi bất thường, thích hợp cho muỗi mang mầm bệnh SXH phát triển. Trong khi đó, ý thức của người dân về công tác phòng, chống SXH còn thấp và nhiều người dân còn chủ quan, chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng vừa trải qua khô hạn nặng.

 

Cán bộ y tế dự phòng đang thực hiện phun hoá chất diệt muỗi phòng chống bệnh sốt xuất huyết

 

          Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, số người mắc SXH trên địa bàn toàn tỉnh là 25 trường hợp. Số mắc tản phát, chưa ghi nhận có ổ dịch lớn.

 

          Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch SXH tại Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố trên cả nước, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường các hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc đầu tiên để chủ động bao vây, dập tắt. Mục tiêu là không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

 

          Các hoạt động nhằm bảo đảm đủ trang thiết bị, vật tư, hoá chất, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử lý để cấp cứu người bệnh cũng được các đơn vị y tế chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có dịch xảy ra ở các địa bàn.

 

          Ngoài ra, ngành còn xây dựng các phương án hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở theo phương châm điều trị tại chỗ và tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về kỹ năng giám sát bệnh nhân, huyết thanh, côn trùng, kỹ năng xử lý hoá chất diệt muỗi, chẩn đoán, điều trị bệnh SXH theo quy định của Bộ Y tế.

 

          Bên cạnh đó, công tác truyền thông phòng chống dịch cũng được đẩy mạnh trên diện rộng với nhiều hình thức phong phú, phù hợp tình hình thực tế của các địa phương, vùng, miền để người dân dễ nắm bắt thông tin, từ đó nêu cao ý thức chủ động phòng tránh bệnh.

 

          Một trong những hoạt động được quan tâm hàng đầu là các đơn vị y tế đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, thu gom rác thải, xử lý nguồn nước tồn đọng, vận động người dân thực hiện phương châm “Không có bọ gậy – không có SXH”. Cán bộ y tế tiến hành phun hoá chất xử lý ổ dịch, diệt muỗi tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch cao và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hoạt động đường dây nóng để tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn cũng như yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết được duy trì nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến trong công tác giám sát, điều trị, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bệnh tại các địa phương. Việc khám, sàng lọc để phát hiện sớm các ca bệnh cũng được tăng cường với sự phối hợp đồng bộ giữa các phòng y tế, trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện và giữa các đơn vị quân y, y tế ngành trên địa bàn, tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong việc thông báo dịch, xử lý dịch, thu dung, điều trị cho bệnh nhân.

 

          Không chủ quan

 

          Là khuyến cáo của ngành Y tế đối với người dân trước tình hình bệnh SXH đang có nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế để phòng chống SXH có hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và mỗi người dân trong việc kiểm tra, khoanh vùng những khu dân cư có số người mắc bệnh SXH để tiến hành các hoạt động dự phòng như phun thuốc diệt muỗi, xử lý môi trường, ngăn chặn các nguy cơ phát sinh của bệnh.

 

          Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp, siêu vi dengue, muỗi aedes (muỗi vằn) là vật trung gian truyền bệnh. Đây là loại muỗi sống ở những nơi bùn lầy, nước đọng hoặc các nơi ẩm thấp, tối tăm. Sốt xuất huyết dengue có những triệu chứng giống như cúm, kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Người bệnh thường sốt cao và kèm theo một số triệu chứng như đau đầu, nhức mắt, buồn nôn, nôn, đau mỏi cơ, xương, khớp, phát ban... Ở những người mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, người dân không được chủ quan với bệnh, khi nghi ngờ mắc bệnh cần được đưa ngay đến phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời.

 

          Người bị nhiễm virus dengue có thể làm lây truyền virus qua vật chủ trung gian là muỗi aedes sau khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện (trong vòng 4-5 ngày; nhiều nhất là 12 ngày). Bệnh có thể lây lan cho người khác do muỗi nên người bệnh cần áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế lây truyền bệnh bằng cách ngủ màn tẩm hóa chất diệt côn trùng, nhất là trong thời gian bị sốt.

 

          Để phòng chống SXH có hiệu quả, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi vằn (làm giảm nguồn lây) bằng cách phát quang bụi rậm, không trữ nước lâu ngày, các dụng cụ chứa nước mưa hoặc chứa nước sinh hoạt phải được đậy kín hoặc loại bỏ đúng cách. Những thùng chứa nước cần thiết không bỏ được thì phải thường xuyên thay rửa kỹ để loại trừ trứng muỗi. Người dân cần tự bảo vệ mình trước dịch SXH bằng cách tránh bị muỗi đốt, nên mặc quần, áo dài, ngủ màn hoặc màn tẩm hóa chất diệt côn trùng ở những địa bàn thường xảy ra dịch bệnh, có thể dùng bình xịt côn trùng hay hương đuổi muỗi để loại trừ và làm giảm hoạt động đốt chích của muỗi.

 

          Hiện nay, việc phòng, chống bệnh SXH còn gặp nhiều khó khăn do bệnh chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng, mỗi hộ dân và sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch là yếu tố hết sức quan trọng để khống chế và kiểm soát SXH ngay tại các địa phương.

 

Lê Hồng
 

Các tin khác
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG