Tăng cường các giải pháp để nâng cao sức khỏe cho nhân dân

Xem với cỡ chữ : A- A A+

          Những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh ta đã tạo được nhiều kết quả đáng tự hào trên các lĩnh vực công tác. Chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho người dân ngày càng được nâng cao. Ngành cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở… Những nỗ lực đó góp phần quan trọng để toàn ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

 

          Xác định công tác y tế dự phòng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thời gian qua, ngoài việc tập trung củng cố mạng lưới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế dự phòng các tuyến, Sở Y tế đã tích cực chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt các trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Ngành đã tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm vững tình hình dịch tễ trong cộng đồng để phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Những loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác đều được phát hiện, xử lý sớm trên địa bàn toàn tỉnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng được thực hiện khá tốt. Tỉnh ta đã triển khai tốt kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống bại liệt và vắc xin 5 trong 1 (ComBE Five) thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

 

          Các hoạt động khác như kiểm dịch y tế, phòng chống suy dinh dưỡng, y tế học đường, nước sạch vệ sinh môi trường… được triển khai sâu rộng, hiệu quả, nhất là ở những xã trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn của tỉnh. Công tác thông tin tuyên truyền được ngành hết sức chú trọng. Thông qua các hoạt động như khám, tư vấn sức khỏe, giám sát dịch tễ tại cộng đồng, cán bộ y tế đã lồng ghép việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe.

 

          Hoạt động khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thời gian qua, các cơ sở điều trị trên toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như đầu tư trang thiết bị hiện đại, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng để triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Nhờ đó, nhiều trường hợp mắc bệnh khó được điều trị có hiệu quả ngay tại các bệnh viện tuyến huyện, tiết kiệm chi phí đi lại, điều trị và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Ngoài nâng cao chất lượng chuyên môn, ngành Y tế còn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ y tế rèn luyện y đức; thành lập, nhân rộng mô hình “tiếp sức người bệnh” với các hình thức như “bữa cơm tình thương cho bệnh nhân nghèo” “tủ đồ nhân đạo”, “ngân hàng máu sống”… tại các bệnh viện.

 

          Hiện tại toàn tỉnh đã có 136 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (85,5%); 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có tổ chức khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; 100 trạm y tế có vườn thuốc nam và có cán bộ làm công tác y học cổ truyền.

 

          Việc thực hiện các chương trình y tế như: lao, mắt, tâm thần, da liễu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động Quân-Dân-Y kết hợp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác phòng chống HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm, Dân số - KHHGĐ và sức khỏe sinh sản được triển khai đồng bộ. Toàn tỉnh đã từng bước khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, kiểm soát tốt hoạt động an toàn thực phẩm, không có trường hợp tử vong do ngộ độc;Tỷ suất sinh giảm, chất lượng dân số ngày càng tăng.

 

          Ngành cũng đã chỉ đạo thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung. Hiện tai, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước đạt gần 80% và đang triển khai thực hiện đề án ‘tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018-2020” trên địa bàn tỉnh; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm phần mềm quản lý nhà thuốc. Toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp kinh doanh thuốc đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP), 8 doanh nghiệp bán thuốc được cấp giấy chứng nhận đạt “thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP), 86 nhà thuốc,444 quầy thuốc được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược… Hệ thống kinh doanh, bảo quản đạt các nguyên tắc thực hành tốt góp phần bảo đảm chất lượng cung ứng, phục vụ nhân dân…

 

          Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Y tế hiện còn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định. Thực tế cho thấy, mạng lưới y tế tuy đã được bố trí sắp xếp lại nhưng nhất lượng hoạt động chưa cao, đặc biệt là y tế tuyến xã, phường, thị trấn. Công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm chưa được triển khai đồng bộ, mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện, điều trị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp; các nhóm bệnh khác như hen phế quản, ung thư… chưa được theo dõi quản lý chặt chẽ. Tỉnh ta vẫn chưa triển khai thực hiện việc khoán quỹ định suất mới. Nhiều cơ sở y tế thiếu nhân lực có chất lượng cao…

 

          Với mục tiêu cơ bản là tiếp tục xây dựng hệ thống y tế của tỉnh từng bước hoàn chỉnh và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, thị trấn theo hướng công bằng, hiệu quả, ngành cũng đề ra nhiều giải pháp để thực hiện 3 nhiệm vụ, giải pháp chính. Cụ thể: Toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, triển khai tốt công tác tiêm chủng phòng bệnh. Mặt khác, ngành sẽ tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất ượng công tác khám, chữa bệnh, trong đó chú trọng phát triển kỹ thuật mới và triển khai nguyên lý y học gia đình về các trạm y tế xã để quản lý các bệnh không lây nhiễm. Nhiệm vụ quan trọng nữa là tập trung các hoạt động để đổi mới sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị Quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, ngành sẽ thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật trên sơ sở sáp nhập một số đơn vị y tế theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, bảo đảm chất lượng, chuyên nghiệp và hiệu quả.

 

Nguyễn Đức Cường
(Giám đốc Sở Y tế)

Các tin khác
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG